Theo TS Khánh, việc các em học sinh mang gen bệnh không ảnh hưởng tới việc sinh hoạt, học tập của các em. Tuy nhiên, khi kết hôn, các em cần làm các xét nghiệm để sàng lọc với người bạn đời để tránh việc sinh ra những đứa con mắc bệnh Thalassemia.TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết hiện nay ở Việt Nam có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh Thalassemia ở tất cả các tỉnh/thành phố cũng như các dân tộc trên toàn quốc.
Thalassemia là bệnh máu di truyền có ở cả nam và nữ. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh thường chậm phát triển thể chất, có nhiều biến chứng do tình trạng thiếu máu và quá tải sắt gây ra. Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng suốt đời.
Hiện nay, trên 20.000 người bệnh cần phải điều trị cả đời và mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang quản lý gần 3.000 bệnh nhân Thalassemia, đến từ hơn 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc. Số lượt người được tư vấn về bệnh này ngày càng tăng. Năm 2017, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã đón tiếp và tư vấn cho hơn 20.000 lượt người.
Biện pháp điều trị cơ bản là truyền máu (truyền khối hồng cầu) và thải sắt. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là nâng cao nhận thức của cộng đồng, hạn chế sinh ra những trẻ bị bệnh.
Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng, mỗi năm, cần trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị (tối thiểu) và khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.
TS Khánh nhận định: "Thalassemia là vấn đề của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống và tương lai của giống nòi. Phòng bệnh là biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất thông qua các xét nghiệm sàng lọc, phát hiện gen bệnh trong gian đoạn tiền hôn nhân và tiền thai sản”.
Nguồn:Zing