Như đã nói ở Phần 1, ông T không nhận lại tiền và cũng không trả sổ đỏ cho bà Ng. Để bảo vệ quyền lợi của mình, bà Ng trình báo sự việc đến công an phường và công an thị xã, nhưng cả hai cơ quan này đều không giải quyết được.
Vì theo quy định của pháp luật hiện tại thì "sổ đỏ" không phải là tài sản nên không xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản đối với ông T. Cho rằng đây là tranh chấp dân sự nên cơ quan công an hướng dẫn bà Ng về làm đơn đề nghị UBND phường giải quyết.
UBND phường đã tổ chức hòa giải nhưng không thành, sau đó hướng dẫn bà Ng khởi kiện ra tòa án. Bà Ng làm đơn và đến tòa án trình bày nội dung vụ việc, cán bộ tòa án nói rằng tòa không thụ lý đơn này và hướng dẫn bà quay lại UBND đề nghị họ giải quyết hoặc làm đơn báo mất để được cấp "sổ đỏ" mới.
Vì đã từng hòa giải mà không được, nên bà Ng về lại UBND phường nộp đơn báo mất để được cấp "sổ đỏ" mới. Sau đó, UBND ra văn bản thông báo là sổ đỏ đó chưa mất, giữa bà Ng và ông T đang có tranh chấp nên không thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ cho bà Ng, đồng thời hướng dẫn bà khởi kiện ra tòa.
Vâng, đọc đến đây các bạn đã bị xoay chóng mặt chưa ạ?
Thử hỏi các bạn là bà Ng (78 tuổi), phải đi tới đi lui như thế, và cuối cùng không cơ quan nào giải quyết yêu cầu chính đáng của bà, các bạn sẽ nghĩ như thế nào?
Bây giờ chúng ta sẽ phân tích cách giải quyết của các cơ quan nhà nước trong trường hợp này:
- Thứ nhất, cách giải quyết của cơ quan công an: trong trường hợp này là đúng, vì "sổ đỏ" không phải là tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành nên họ không có cơ sở để xử lý ông T hành vi chiếm đoạt tài sản trái phép.
(Quy định "sổ đỏ" không phải là tài sản xem ra cũng có nhiều bất cập, vấn đề này sẽ được phân tích vào một dịp khác).
- Thứ hai, cách giải quyết của tòa án: có thể tòa án căn cứ vào hướng dẫn của công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/1/2011 của Tòa án NDTC. Tuy nhiên, nếu viện dẫn vào hướng dẫn này để không thụ lý vụ án sẽ trái với quy định của Bộ luật TTDS 2015.
Theo tôi, có thể cán bộ tòa án cho rằng việc này là hết sức đơn giản và UBND phường thừa sức giải quyết để không gây khó dễ và mất thời gian cho người dân. Và nếu như trường hợp tòa án thụ lý và xử bà Ng thắng kiện, nhưng ông T không thi hành án, hoặc cán bộ thi hành án tới cưỡng chế thi hành thì ông T nói là mất sổ đỏ hoặc bị cháy rồi thì cũng không có bất kỳ một căn cứ hay quy chế nào để xử lý ông T, do đó bà Ng lại phải làm lại các thủ tục như ban đầu là báo mất.
(Có một số bạn cho rằng Tòa án có thể tuyên hủy sổ đỏ do ông T đang giữ, xin thưa với các bạn rằng, sổ đỏ này được cấp đúng đối tượng, đúng quy trình, quy định của pháp luật nên không có lý do gì để tuyên hủy nó cả.)
- Thứ 3, cách giải quyết của UBND phường. Tôi cho rằng UBND phường đã giải quyết không thỏa đáng quyền lợi chính đáng người dân, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác giải quyết. UBND phường đã xác định không đúng quan hệ, đối tượng tranh chấp. Giữa bà Ng và ông T không hề có tranh chấp về quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất được nhà nước cấp cho bà Ng thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giữa bà Ng và ông T không hề có giao dịch mua bán, tặng cho, thế chấp...
UBND phường là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, có thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ các trật tự xã hội theo luật định. Sổ đỏ nhà nước cấp cho bà Ng thì bà Ng được quyền giữ nó, không ai khác được quyền giữ nó nếu như không có sự đồng ý của bà Ng, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc này.
Nay UBND phường xác nhận giữa bà Ng và ông T có tranh chấp để không thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ mới cho bà Ng là không đúng quy định và trình tự của pháp luật.
Theo tôi, UBND phường cần phải yêu cầu ông T chứng minh việc giữ sổ của bà Ng là có lý do hợp pháp hay không, ví dụ như giữa hai bên có hợp đồng chuyển nhượng mà chưa thực hiện, hoặc bà Ng có văn bản ủy quyền cho ông T giữ, nếu không chứng minh được thì rõ ràng ông T đang giữ sổ đỏ bất hợp pháp vì trái với ý chí của bà Ng.
Nếu ông T không chứng minh được và cố ý không trả lại sổ đỏ thì UBND phường căn cứ vào đơn báo mất của bà Ng để đề nghị UBND thị xã hủy sổ cũ và cấp cho bà Ng sổ mới.
Trong công văn trả lời cho bà Ng, UBND phường có lấy thêm một lý do là sổ đỏ không bị mất mà do ông T đang giữ. Xin thưa với các ông Ủy ban, Luật quy định là mất chứ không bắt buộc phải bị hủy hoại, bị xé nát, hay đốt cháy thành tro mới được cấp lại. Mất ở đây là vật (sổ đỏ) do bà Ng được quyền nắm giữ nhưng đã bị người khác chiếm đoạt ngoài ý chí của bà.
Lời bàn:
- Với cách xử lý của UBND phường, nếu vì trình độ yếu kém của cán bộ hoặc vì động cơ không trong sáng thì đều gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Nó không những làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân mà còn làm cho người dân mất niềm tin vào cơ quan nhà nước, mất niềm tin vào pháp luật.
- Ông T cố tình giữ sổ của bà Ng chỉ là một hình thức ăn vạ, là người lớn thì không nên ăn vạ như trẻ con, đặc biệt là ăn vạ một bà già neo đơn 78 tuổi. Cách giải quyết của UBND phường như vậy đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho hành động ăn vạ ấy.
- Đấy, sự việc nó vốn đơn giản như thế, nhưng vì lòng người không đơn giản nên đã làm cho nó trở nên khốc hại. Khốc hại chẳng qua cũng vì tiền.
Tác giả: Ls Trần Hoàng Hà - Đoàn Ls TP. HCM.